Bản đồ các địa điểm du lịch sapa

Sa Pa là một thị trấn vùng cao, là một khu nghỉ mát nổi tiếng thuộc huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, Việt Nam. Nơi đây ẩn chứa nhiều điều kỳ diệu của tự nhiên, phong cảnh thiên nhiên với địa hình của núi đồi, màu xanh của rừng cây, tạo nên bức tranh có bố cục hài hoà, có cảnh sắc thơ mộng và hấp dẫn từ cảnh quan đất trời vùng đất phía Tây Bắc. Đến du lịch Sapa❤️ bạn sẽ được thăm quan rất nhiều các địa điểm, và thắng cảnh đẹp.

BẢN ĐỒ DU LỊCH SAPA – LÀO CAI

Các địa điểm du lịch sapa

Bản đồ du lịch Sapa
Bản đồ du lịch thị trấn Sapa
Bản đồ du lịch vùng miền Sapa
Bản đồ du lịch vùng miền Sapa
Bản đồ hàm rồng Sapa
Bản đồ hàm rồng Sapa
Bản đồ du lịch Sapa - Lào Cai
Bản đồ du lịch Sapa – Lào Cai
Sapa-Tourist-Map
Sapa-Tourist-Map

1. Du lịch vườn hồng Sapa

Nói đến hoa hồng là chúng ta thường nghĩ ngay đến đất nước Bulgari xa xôi ở trời Âu – nơi được mệnh danh là xứ xở của hoa hồng – loài hoa mang thông điệp tình yêu hay một nơi rất gần với chúng ta hơn, đó là Đà Lạt (Lâm Đồng) – nơi được mệnh danh là thành phố của ngàn hoa, thành phố của sương mù… Tuy nhiên, thiên nhiên, tạo hóa luôn ưu đãi đất nước chúng ta, trong một thung lũng quanh năm bốn mùa bồng bềnh mây trắng, người ta lại gây dựng được cả một vườn hồng Pháp đủ loại với màu sắc sặc sỡ, đã làm siêu lòng bao lượt du khách tham quan.
Vườn hồng Sapa
Với diện tích trên 20ha, Vườn hồng Sa Pa hay Khu du lịch sinh thái công nghệ cao Việt Mỹ – Sa Pa nằm trọn trong thung lũng được bao bởi hai dãy núi Hàm Rồng và Hoàng Liên Sơn. Từ trên cao nhìn xuống, Vườn hồng Sa Pa giống như một bức tranh đẹp với nhiều nét chấm phá sinh động và phong phú. Pha lẫn trong sự đa dạng về màu sắc của vườn hoa là những màu sắc, hình khối nổi bật cả về phong cách thiết kế lẫn sự sáng tạo. Giữa bạt ngàn hoa thắm, người ta còn sắp đặt được rất nhiều khu, tạo nên sự mới mẻ và hấp dẫn cho du khách: Khu nhà sàn được thiết kế hoàn toàn bằng gỗ pơmu với lối kiến trúc nhà sàn của đồng bào dân tộc vùng cao Lào Cai, đan xen vào đó là những nét kiến trúc theo phong cách Châu Âu hiện đại. Tất cả các nhà sàn đều có mặt hướng về phía thung lũng Lao Chải – nơi có những thửa ruộng bậc thang trông tựa như những cung đường xếp chồng lên nhau cao mãi cao mãi…, giúp du khách có dịp nghỉ ngơi và ngắm nhìn phong cảnh núi rừng trùng, điệp một màu xanh mướt; khu giải trí, nghỉ dưỡng độc đáo, mang đậm hương vị Sa Pa như: Dịch vụ tắm lá thuốc của người Dao Đỏ ở Sa Pa; biểu diễn văn hóa, văn nghệ của đồng bào Tày, Dao, H’ Mông, Xa Phó – giúp du khách có dịp vừa được nghỉ ngơi, giải trí và thư giãn vừa được biết thêm về phương pháp trị liệu theo Đông Y; khu nhà hàng, quán bar…, giúp du khách có dịp thưởng thức những món đặc sản của vùng cao: Lợn cắp nách, cá suối, thịt hun khói với ớt khô, rượu táo mèo Sa Pa…

Đến Vườn hồng Sa Pa, du khách không những được tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ của một vùng quê quanh năm mây mù bao phủ mà du khách còn có dịp được tham quan, ngắm nhìn cảnh đẹp nơi đây như: tham quan Vườn Quốc gia Hoàng Liên, khu du lịch sinh thái Hàm Rồng, khu du lịch Thác Bạc – Cầu Mây, tham gia các tour dã ngoại leo núi Phan Si Păng, các tour khám phá bản làng dân tộc…

2. Thung lũng Mường Hoa Sapa

Dòng suối Hoa, chảy dọc thung lũng Mường Hoa, kéo dài qua suốt các xã Lao Chải, Tả Van, Hầu Thào… Chính tại nơi này, rải dọc qua các dãy núi là một khu chạm khắc đá kỳ lạ. Trải dài trên chiều dài hơn 4km, rộng 2 km, với ít nhất 159 hòn đá, chứa nhiều hình họa bí ẩn, bãi đá từng là điểm tập trung nghiên cứu của nhiều nhà khoa học Việt Nam, Nga, Pháp Australia…

Thung lũng Mường Hoa Sapa
Trong Hội nghị Thông báo Khảo cổ học năm 2000 ở Hà Nội, những người từng lăn lộn ở Phong Thổ- Lai Châu, Mèo Vạc – Hà Giang đã đưa ra những thông tin làm sửng sốt về bãi đá cổ Sa Pa: Đã tìm ra những bãi đá tương tự ở Phong Thổ và Mèo Vạc. Nếu điều này được nghiên cứu trên một diện rộng và bao quát hơn, thiết nghĩ, những thông tin trên sẽ là chiếc chìa khóa mở cửa kho bí ẩn ở bãi đá cổ Sa Pa.

3. Nhà thờ đá Sapa

Ngôi nhà thờ này nằm ngay giữa Trung tâm thị trấn. Phía trước là một sân vận động rộng. Hằng ngày, người dân tộc tập trung đông đúc ở đây mua bán, trao đổi hàng hóa. Đây cũng chính là nơi mà thứ 7 hàng tuần réo rắt tiếng khèn gọi bạn của những đôi trai gái trong phiên chợ tình mang đầy nét văn hóa dân tộc và hơi thở núi rừng.
Nhà thờ cổ còn có tên là nhà thờ đá hay nhà thờ Đức Mẹ Mân côi nằm ngay giữa trung tâm thị trấn Sapa, được người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ 20. Trước khi đặt những viên gạch móng đầu tiên cho công trình này, những người kiến trúc sư Pháp đã chọn lựa rất kỹ địa thế để xây dựng.

Nhà thờ Đức Mẹ Mân côi toạ lạc trên một vị trí đắc địa với phía sau là núi Hàm Rồng che chắn, phía trước là khu đất rộng, bằng phẳng, có thể phát triển nhiều công trình văn hóa phục vụ cho các hoạt động xã hội, đứng ở bốn phía đều có thể quan sát được di tích, cùng với hai công trình kiến trúc khác cũng do người Pháp xây dựng là biệt thự Chủ Cầu (nay là khách sạn Hoàng Liên) và khu huyện ủy cũ (nay là trụ sở của Trung tâm Thông tin Du lịch Lào Cai) tạo thành một hình tam giác cân đối với kiến trúc riêng biệt mang phong cách Pháp.
Nhà thờ đá ở Sapa
Việc chọn hướng của nhà thờ có ý nghĩa tâm linh quan trọng đối với người Công giáo: Đầu di tích quay về phía Đông, là hướng mặt trời mọc, hướng đón nguồn sáng Thiên Chúa. Cuối nhà thờ (khu Tháp chuông) là hướng Tây, nơi sinh thành của Chúa Kitô.

Hình dạng và kiến trúc của Nhà thờ được xây theo hình thập giá theo kiến trúc Gotic La Mã. Kiến trúc đó thể hiện ở mái nhà, tháp chuông, vòm cuốn…đều là hình chóp tạo cho công trình nét bay bổng thanh thoát. Toàn bộ nhà thờ được xây bằng đá đẽo (tường, nền nhà, tháp chuông, sân nhà thờ, bờ kè xung quanh) được liên kết với nhau bằng hỗn hợp của cát, vôi và mật mía. Phần tường của cánh thánh giá bên phải được tạo nhám như nhũ đá chảy xuống làm tăng thêm vẻ đẹp tự nhiên cho di tích. Mái nhà lợp ngói, trần nhà bằng vôi rơm (nay làm mới). Đặc biệt trần ở phần gác chuông (gần quả chuông) là hỗn hợp của vôi, rơm, sắt, chưa sửa chữa lần nào.

4. Vẻ đẹp Mường Khương Sapa

Người già ở đây bảo: Mường Khương là tên gọi tiếng Việt mới có từ thời Pháp thuộc. Thực tế, nhân dân địa phương gọi là Mưng Khangw (tức Mường Gang) bởi theo truyền thuyết dân gian: “Ngày xưa, có một thầy địa lý mang theo túi mật ngựa đi chọn đất đai để sinh cơ lập nghiệp. Đến nơi đây, ông bỗng nhìn thấy dưới lớp đất là một biển nước mênh mông, có hai cột sắt ở giữa và bốn cột gang phía ngoài chống đỡ 4 góc làm cho mảnh đất này tồn tại vững chắc. Nên mới đặt tên Mưng Khangw. Đến với Mường Khương, khách không chỉ được đắm mình với không khí trong lành của miền núi mà còn được thưởng ngoạn cảnh đẹp thiên nhiên của những dãy núi đá vôi. Nhìn từ xa, các thôn, bản ở huyện Mường Khương thấp thoáng xen lẫn trong màu xanh bạt ngàn của núi rừng trùng điệp. Hòa lẫn trong khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp đó là những nếp nhà sàn, nhà trệt xinh xắn; Những cánh đồng lúa Tùng Lâu – Na Bủ rộng mênh mông bát ngát. Nổi bật lên là quần thể hang động Hàm Rồng – một điểm du lịch nổi tiếng đã được xếp hạng di tích Quốc gia, cách trung tâm huyện chỉ 1,5km. Cửa chính vào động là nơi bắt nguồn của dòng suối “Tùng Lâu” tạo thành dòng thác “Pao Tủng”. Chính nơi này đã phát hiện một trống đồng Pha Long có niên đại cách đây 4.000 năm. Cùng với động Hàm Rồng, còn có hang “Nấm Ọc” (xã Nấm Lư), hang “Mười Ngựa” (xã Tả Ngải Chồ) là những hang còn lưu giữ khá nhiều dấu tích người xưa. Đây cũng là tụ điểm hoạt động của bọn phỉ Châu Quang Lồ khét tiếng, đã bị các đơn vị bộ đội tiêu diệt năm 1952. Đối diện với động Hàm Rồng là núi “Cô Tiên” có vẻ đẹp kỳ vĩ. Chuyện kể rằng: Từ xa xưa, các nàng Tiên xuống hạ giới du xuân, thấy núi non hùng vĩ, cảnh đẹp sơn thủy hữu tình nên không đành lòng về trời. Trên đỉnh núi được tạo hóa, tạc nên phiến đá rộng chừng 1m, hình chiếc bàn, một ghế đá to hình Cô Tiên ngồi, xung quanh là 4 ghế nhỏ, 4 chàng trai tựa hình 4 con rồng chầu quanh phóng tầm nhìn bảo vệ cả một vùng thung lũng, biên giới Mường Khương.
Thị trấn Mường Khương
Đến với Mường Khương, du khách không chỉ được khám phá vẻ đẹp hàng động mà còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nhiều ngọn thác như thác Hàm Rồng, Văng Leng, Tà Lâm… Trong đó Thác Tà Lâm nằm giữa hai ngọn núi như hai con rồng đang vươn xuống, mình và đuôi rồng vắt lên dãy núi con voi sừng sững cõng trên mình rừng xanh bát ngát. Từ xa, du khách đã thấy rõ ba tầng thác trắng xóa. Tầng một từ đỉnh thác dựng thành một cột nước dài hơn 100m rồi tỏa dưới những khe, những hầm đá ngoằn ngoèo, nước tuôn tràn cả qua những gốc cây cổ thụ, tán giao nhau làm ta không nhìn thấy thác. Qua khoảng rừng này, nước mới cùng nhau ùa ra khoảng rừng thưa tràn trắng xóa nối nhau qua những tầng đá ào ào tuôn xuống dưới chân thác, dưới cằm bờm của hai con rồng lớn, làm thành một cái ao tròn như cái giếng làng khổng lồ.