Phần 1: Thời gian leo Phansipang phù hợp và những lưu ý về thời tiết trên Phanxipang
Phansipang nằm ở Tây Bắc Việt Nam, có tọa độ 22°17′52″B, 103°47′11″Đ. Phansipang chịu ảnh hưởng của miền khí hậu Miền Bắc, là khí hậu nhiệt đới gió mùa với bốn mùa xuân, hè, thu, đông rõ rệt. Mùa xuân miền Bắc bắt đầu từ tháng 2 cho đến hết gần tháng 4, là mùa đẹp nhất trong năm. Mùa hè từ tháng 4 đến tháng 9,vào mùa này thì nhiệt độ trong ngày khá nóng và mưa nhiều. Tháng nóng nhất thường là vào tháng 6. Tháng 5 đến tháng 8 là tháng có mưa nhiều nhất trong năm. Mùa thu chỉ vỏn vẹn trong hai tháng 9 và 10. Mùa thu miền Bắc rất đẹp, trời trong xanh và không khí mát mẻ. Mùa đông thường vào tháng 11 đến tháng 2 năm sau, mùa này khí hậu lạnh và hanh khô là một trong những địa điểm du lịch Sapa thu hút khách du lịch thích khám phá đến trải nghiệm.
Do những đặc điểm thời tiết của Miền Bắc nên việc leo núi phù hợp nhất là từ cuối tháng 9 đến cuối tháng 4 năm sau. Trong đó thời gian đẹp nhất là tháng 10 và tháng 11. Thời điểm này trong năm tại miền bắc trời không mưa và nhiệt đội trên núi không quá lạnh vì vậy giúp cho việc chinh phục Fan dễ dàng hơn và an toàn hơn. Dù là bất cứ thời điểm nào thì ở trên núi đều lạnh, càng lên cao càng lạnh và nhiệt đô ban đêm thấp hơn nhiệt độ ban ngày từ 6-10oC. Nhiêt độ lạnh nhất trong tháng 9,10,11 có thể đến 4-3oC vào ban đêm. Và các tháng 12, 1, 2, 3 nhiệt độ có thể xuống 0oC hoặc thấp hơn và có cả tuyết. Thời tiết trên Fan thay đổi hàng giờ và bạn thực sự cần may mắn để có được bầu trời trong xanh trên đỉnh núi. Có khi ở lưng chừng núi trời nắng đẹp nhưng trên đỉnh lại có mây mù bao phủ. Tuy nhiên nếu may mắn có được thời tiết tốt bạn sẽ có những khoảng khắc tuyệt đẹp không thể nào quên.
Xem thêm: Địa chỉ những quán cà phê có góc nhìn đẹp nhất Sapa
Phần 2: Trang thiết bị phục vụ chuyến chinh phục Phanxipang Sapa Lào Cai
Dưới đây chúng tôi xin đưa ra một danh sách những đồ dùng cần thiết cho chuyến chinh phục Fan của bạn. Việc lựa chọn đồ gì để đem theo phụ thuộc và độ dài của hành trình và cách thức tổ chức chuyến đi. Nếu bạn dùng dich vụ của một công ty du lịch địa phương thì công ty đó đã chuẩn bị một số trang thiết bị cần thiết cho chuyến đi. Nếu bạn chỉ thuê 1 người hướng dẫn để dẫn đường thì bạn sẽ cần phải chuẩn bị nhiều đồ hơn cho hành trình du lịch Sapa phanxipang 3 ngày 4 đêm.
1. Những đồ thiết yếu:
Giầy leo núi: loại cao cổ, chống nước (waterproof), đế cao su không quá cứng, có nhiều gai và có ma sát tốt.
Áo mưa: tốt nhất là có loại áo khoác chuyên dụng vừa là áo ấm vừa chống nước, các hãng sản xuất trang phục thể thao và dã ngoại như Northface, Eastpak, Columbia,…đều có loại áo này. Lưu ý là phải có cả quần chống nước nếu bạn dùng loại áo khoác này chống mưa. Nếu không có áo mưa bộ như trên thì có thể dung loại áo mưa trùm kín người để che được balo sau lưng. Tuy nhiên nếu mặc áo mưa này thi khó di chuyển hơn.
Balo: tốt nhất là balo chống nước hoặc có áo mưa trùm balo đi kèm. Dung tích tùy thuộc vào độ dài hành trình và số lượng đồ dùng mang theo
Túi cứu thương cá nhân: loại cơ bản dùng cho cá nhân có kích thước nhỏ gọn. Các loại thuốc và dụng cụ y tế cần có bao gồm: thuốc giảm sốt, thuốc tiêu chảy, thuốc bôi chống côn trùng đốt, thuốc sát trùng, dầu nóng/dầu gió, băng ego các cỡ, bông y tế, kéo y tế, băng dính y tế, gạc tiệt trùng, băng co dãn (dành cho trường hợp bị bong gân)
Lưu ý: tất cả các loại thuốc và dụng cụ y tế cần phải để trong túi nilon bên trong túi cứ thương để tránh nước ngấm vào.
Đèn pin: nên mua loại đèn pin nhỏ và có khả năng chống nước. Đèn pin to sẽ làm cho hành lý của bạn năng hơn. Nên có khoảng it nhất 1 đôi pin dự phòng cho mỗi ngày leo núi.
Dao/dụng cụ đa năng: một con dao nhíp nhỏ hoặc một bộ dụng cụ đa năng sẽ là rất cần thiết khi bạn leo núi và cắm trại qua đêm. Tuy nhiên không nên mang thứ quá to và nặng.
Quần áo: Vì thời tiết trên Phansipang luôn lạnh nên cần phải có áo khoác ấm và tốt nhất là loại chống nước. Trên thị trường hiên có loại áo sử dụng công nghệ Gotex chống nước và rất ấm nhưng vẫn thoáng khí (breathable). Dưới đây là gợi ý cho số lượng quần áo mang theo tùy thuộc vào số ngày leo núi:
+ 2 ngày: 1 áo khoác ấm (jacket), 1 áo bó cao cổ bằng nỉ hoặc len, 2 quần dài (tốt nhất là chất liệu gotex), 2 áo lót cộc tay hoặc dài tay, 2 quần lót.
+ 3-4ngày: 1 áo khoác ấm (jacket), 1 áo bó sát cao cổ bằng nỉ hoặc len, 3 quần dài (tốt nhất là chất liệu gotex), 3 áo lót cộc tay hoặc dài tay, 3 quần lót.
Lưu ý: Các phượt thủ là nữ có thể điều chỉnh số lượng quần lót và áo lót phù hợp với yêu cầu vệ sinh cá nhân của mình.
Vào thời điểm lạnh nhất cần mang theo cả quần bó sát mặc bên trong (loại Dệt Kim Đông Xuân vẫn bán), mũ len trùm tai và găng tay dày.
Đọc thêm: Kinh nghiệm phượt Sapa an toàn trong mùa mưa bão
2. Những trang thiết bị cắm trại:
Nếu chuyến chinh phục của bạn do một công ty du lịch địa phương tổ chức thì những trang thiết bị này sẽ được công ty đó trang bị cho bạn. Nếu bạn tự tổ chức bạn sẽ cần phải mua hoặc thuê những đồ sau
Tham khảo:
Lều: có nhiều loại lều cho số lượng người khác nhau như lều cho 2 người, 3 người,…thậm chí có lều cho nhóm 12 người và nhiều hơn. Khi mua hoặc thuê lều bạn cần lưu ý những chi tiết sau:
– Lều phải chống nước
– Có lỗ thông hơi
– Dễ tháo lắp và có thể dựng trên mọi địa hình. Một số loại lều chuyên dụng tương đối phức tạp khi lắp gép và chỉ cắm được trên nền đất ví phải đóng cọc căng dây.
– Cửa lều có thêm một lớp màn chống muỗi
– Đáy lều bằng bạt dày và chống nước để tránh bị thủng, rách khi dựng lều trên bệ mặt có đá nhọn hoặc cây gai.
– Cọc lều tốt nhất là loại làm bằng cacbon tổng hợp vì chịu lực và chịu uốn tốt hơn cọc lều bằng nhôm.
Đệm hơi: là vật dụng không thể thiếu khi cắm trại trên núi. Đệm hơi phải cách nhiệt, chống nước và có van tốt chống xì hơi. Đệm hơi giúp cho bạn không bị đau lưng vì bề mặt không bằng phẳng của điểm cắm trại và quan trọng hơn là giúp bạn không bi lạnh lưng do khí lạnh từ dưới đất (khí lạnh có thể làm bạn bị viêm phổi). Loại đêm hơi tốt cần phải nhẹ, mỏng nhưng cách nhiệt tốt. Trên thi trường hiện có loại đệm hơi có lớp cách nhiệt ở giữa và có van bơm tự động, khi mở van không khi tự chui vào các khoang khí nhỏ bên trong.
Túi ngủ: Đây cũng là vật dụng không thể thiếu khi cắm trại trên núi. Có nhiều loại túi ngủ dành cho các khoảng nhiệt độ khác nhau từ 20ºC đến -20ºC. Khi mua túi ngủ cần phải biết túi ngủ đó sử dụng cho khoảng nhiệt độ bao nhiêu. Với Fan thì túi ngủ thích hợp nhất trong thời điểm lạnh nhất là từ 10oC đến -5oC
Đồ dùng nấu ăn: Thông thường khi tổ chức các chuyến chinh phục Fan bạn sẽ cần người địa phương dẫn đường và nấu ăn. Tuy nhiên nếu bạn muốn có trải nghiệm thực sự khác biệt, bạn có thể tự nấu ăn. Khi đó bạn sẽ phải chuẩn bị các đồ nấu ăn như sau: Xong, bát, đĩa, thìa, dĩa,… Tiêu chí cho việc chon các đồ này là gọn, nhẹ và đa năng. Một thiết bị khác không thể thiếu là bếp, bạn có 2 lựa chọn sau:
+ Dùng 3 hòn đá chụm vào nhau và nhặt củi đốt lửa làm bếp, nếu dùng cách này phải thật cẩn thận kiểm soát ngọn lửa tránh để lửa cháy lan ra gây cháy rừng. Nếu dự định nấu ăn kiểu này bạn cần chuẩn bị một chai dầu hỏa hoặc xăng để mồi lửa.
Lưu ý: nếu trời mưa to bạn sẽ gặp khó khăn thực sự với việc kiếm củi đốt lửa.
+ Dùng bếp ga du lịch (loại thông thường hoặc chuyên dụng): với cách này bạn không sợ mưa gió nhưng hành trang của bạn sẽ nặng hơn.
Đồ ăn: Nếu sử dụng dich vụ của công ty du lịch ban sẽ không phải lo về việc nấu ăn hay chuẩn bị đồ ăn cho chuyến leo núi vì những công ty tổ chức leo Fan chuyên nghiêp biêt cách để lo cho bạn có cơm ngon canh ngọt canh ngọt tất cả các bữa. Bữa sáng thông thường là mỳ tôm trứng, bữa trưa là đồ nguội còn bữa tối bạn có rất nhiều đồ ăn nóng sốt như thịt lợn rang, nem rán, khoai tây chiên, rau xáo thịt,…
Nếu muốn tự mình nấu ăn và chuẩn bị đồ ăn mang theo ban cần phải tính toán số lương thực, thực phẩm mỗi người trong đoàn cần tiêu thụ cho mỗi bữa. Nên mua những đồ khô và đồ hộp. Đồ tươi chỉ có thể mang trong ngày đầu tiên và phải được sơ chế để tránh ôi thiu.
3. Những trang thiết bị không phải là tối quan trọng nhưng cũng khá cần thiết:
Gậy leo núi: giúp bạn đi nhanh hơn và cân bằng hơn. Gậy leo núi thường làm bằng hợp kim có thể kéo dài và thu ngắn lại. Bên trong gậy có lò xo để tăng độ nhún và chịu lực khi leo núi.
Xà cạp (Gaiter): xà cạp chống gai hoặc cành cây cào vào phần từ đầu gối đến cổ chân của bạn. Xà cạp còn giúp nước mưa hoặc sương trên lá cây không làm ướt quần và chảy vào bên trong giầy của bạn. Loại xà xạp dầy còn chống rắn cắn.
Găng tay: Ngoài loại găng tay giữ ấm khi thời tiết lạnh giá. Bạn có thể sẽ cần găng tay mỏng hơn và có các hạt cao su trên bề mặt ngón tay giúp tăng độ bám khi leo qua những rễ cây hoặc đá rêu trơn.
Túi khô: là loại làm bằng chất liệu không thấm nước, khi gập miệng túi lại thì không lo nước ngấm vào. Túi khô có thể dùng để đựng đồ điện tử như máy ảnh, điên thoại di động,… hoặc giấy tờ tùy thân.
Máy ảnh: tùy thuộc bạn là nhiếp ảnh gia hay chỉ chụp kỷ niệm. Máy ảnh cần phải thuốc hút ẩm trong túi đựng máy để giảm thiểu tác hại của độ ẩm cao lên ống kính và các mạch điên tử.
Điện thoại di động: sẽ rất cần thiết để gọi lực lượng cứu trợ nếu có gì không hay xảy ra. Trong các nhà cung cấp mạng di động hiên tại Viettel có sóng mạnh nhất trên núi.
4. Những đồ dùng khác có thể mang theo trong chuyến du lịch Sapa Lào Cai
Ống nhòm, la bàn, thực phẩm chức năng hoặc thực phẩm mang lại năng lượng tức thì cho cơ thể, máy bộ đàm (1 cặp hoặc nhiều hơn tùy vào số lượng người), thuốc hoặc máy lọc nước, xẻng quân dụng (có thể gập lại), xô đựng nước dã ngoại (có thể gập lại rất gọn), kem chống năng.