Măng đắng sapa hầu như có quanh năm nhưng nhiều nhất là vào mùa mưa – mùa măng mọc. Măng được chế biến thành nhiều món như măng khô, măng chua… nhưng độc đáo nhất là nem măng đắng.
Chế biến
Nem măng đắng được chế biến theo cách cổ truyền của người dân tộc Tày, mang hương vị độc đáo và bắt mắt ngay từ phần vỏ bên ngoài. Loại măng thường được chọn là măng vầu đắng. Những mầm măng non, mới nhú được người dân bản lựa chọn để đủ độ giòn và ngọt. Sau đó đem luộc lên cùng chút muối cho bớt vị đắng chát, rồi xắt mỏng sao cho măng mềm và dai như những tấm lụa làm vỏ cho món ăn.
Phần nhân nem được làm nhiều nguyên liệu trộn vào nhau như thịt gà, hành tây, lá hẹ và củ kiệu băm nhỏ, nêm chút hạt tiêu, nước mắm. Gà phải là gà non, gà đồi, nặng khoảng nửa ký, sau khi làm sạch sẽ được người đầu bếp băm nhỏ cả gân, sụn và thịt. Tiếp đến là công đoạn gói nem. Công đoạn cần người làm phải thật sự khéo léo và tỉ mỉ cho nhân vào từng lá măng mỏng, cuộn tròn lại làm sao để nhân nằm gọn trong lát măng. Sau đó cho vào chảo mỡ chiên vàng, lửa riu riu để nem chín đều, đến khi đã vàng đều các mặt và có mùi thơm thì gắp ra đĩa.
Thưởng thức
Nem măng đắng chỉ phát huy hết vị thơm ngon khi kết hợp với một là tương ớt Mường Khương, hai là nước chấm gia chuyển của người thái. Nước chấm được pha kỳ công với ớt tươi giã nhuyễn với một chút mắm, chanh rừng và gia vị bí truyền của dân tộc Thái đã tạo nên một món nước chấm cực kỳ đặc biệt. Sự kết hợp giữa vị cay của ớt, vị chua của chanh rừng, vị đắng nhẹ của măng cùng với vị ngọt từ thịt gà tơ tạo nên một món ăn vô cùng đặc biệt, khiến người thưởng thức chỉ ước rằng mình được sinh sống ỏ đây để được cảm nhận mãi cái dư vị của vùng quê này.
Cây măng đắng mọc lên có vị đắng của tình yêu khổ hạnh, nhưng vẫn có vị ngọt thanh là minh chứng cho tình yêu đẹp nơi núi rừng. Cũng bởi lẽ đó, người dân tộc Tày chỉ làm nem măng đắng trong những ngày truyền thống của làng bản. Đến nay nó đã xuất hiện nhiều hơn trong các bữa ăn để quảng bá với du khách về văn hóa ẩm thực nơi đây.